Hiện nay nhu cầu du học đã dần trở nên quen thuộc và được đặt ưu tiên hơn. Các gia đình luôn mong muốn cho con em mình một tương lai mở mang và phát triển. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ việc đi du học thực sự đem lại những gì? Họ đang ảo tưởng gì về du học? VinEdu qua bài viết sẽ phân tích các thông tin liên quan đến du học để mọi người hiểu rõ hơn.
Ảo tưởng đi du học sẽ được tự do

Có rất nhiều người nghĩ rằng, học và làm việc ở Việt Nam cảm thấy gò bó do có sự kiểm soát của ba mẹ, người thân. Họ muốn sống một cuộc sống bươn chải, tự do bay nhảy ở nước ngoài để thỏa mái.
Tuy nhiên, có cực kì nhiều chia sẻ của các du học sinh đã từng đi du học cho rằng: “Cuộc sống xa nhà, lạ nước, lạ cái, một mình ở một thế giới khác thực sự tồi tệ và cô đơn”.
Bạn có thể tưởng tượng ở Việt Nam, nếu gặp khó khăn bạn có thể tự tin rằng có thể nhờ hỗ trợ, những người Việt có cùng ngôn ngữ, có cùng tập quán và văn hóa có thể tin tưởng và giúp đỡ nhau. Nhưng ở nước ngoài thì khác, bạn có thể sẽ bị shock văn hóa, bị lạc lõng và bó mình lại do ngại, sợ nhờ vả hay sợ bị lợi dụng…
Chính vì thế nếu có ý định du học, bạn phải tự xác định trước tư tưởng. Nếu không mạnh mẽ và cố gắng hòa nhập thì bạn sẽ mãi chỉ nhận được sự thờ ơ, ghẻ lạnh và cô đơn muốn bỏ về nước thôi.
Ảo tưởng du học sướng và dễ dàng

Nhiều người nghĩ được học tập tại một nước phát triển là rất oai và sướng vì được tiếp xúc với một môi trường tiên tiến phát triển, được gặp gỡ nhiều người bạn quốc tế. Tuy nhiên mặt trái của nó cũng là sự khó hòa nhập và sự thờ ơ của người ngoại quốc.
Bên cạnh đó, các chương trình học của du học sinh đa số đều sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh, chưa kể tài liệu sách vở đều phải tự tìm kiếm và tự học hỏi.
Bạn bè không chỉ sử dụng mỗi tiếng Anh, họ có thể giao lưu bằng các thứ tiếng khác hoặc không chuẩn đôi khi sẽ làm bạn cảm thấy áp lực.
Chính vì thế, nếu có ý định du học bạn nên có vốn kiến thức và ngôn ngữ tốt để tránh bị choáng ngợp bởi ngôn ngữ.
Ảo tưởng du học sẽ có tương lai rộng mở

Nói theo một cách chung nhất thì du học là cách giúp bạn phát triển rất nhiều thứ từ kỹ năng đến sở trường bản thân nếu bạn cố gắng vượt qua những khó khăn ban đầu. Bạn có vốn kiến thức, ngôn ngữ và thái độ với công việc khoa học và văn minh.
Nhưng thực tế cho thấy, nếu bạn cầm một tấm bằng đại học bình thường ở nước ngoài về, bạn vẫn phải vật vã tìm việc, lựa chọn những mức lương… Việc lương thấp thì có lẽ không nói tới. Nhưng với những gì bạn bỏ ra cho du học thì để kiếm một công việc ngon, lương cao và được trọng dụng thì vẫn là một con đường dài khó khăn.
Ngoài ra, rất nhiều bạn du học sinh đem lối sống và suy nghĩ của nước ngoài vào áp dụng ở Việt Nam. Nhưng, Việt Nam có môi trường khá khác với nước ngoài đặc biệt là trong tác phong làm việc.
Các công ty vừa và nhỏ thì ít dám tuyển nhân viên là du học sinh bởi không thể trả lương cao so với option của công ty và sợ bị nhảy việc. Công ty lớn thì chưa chắc tấm bằng của bạn đủ đáp ứng trong môi trường trong nước.
Lợi thế của bằng cấp bình thường ở nước ngoài có chăng là vốn ngôn ngữ của bạn và phải chấp nhận mức lương tương đương hoặc ít hơn so với mức học phí hằng tháng của du học.
Ảo tưởng du học mở mang và kết bạn bốn phương

Hầu hết du học sinh luôn nuôi mong ước tìm kiếm được môi trường phát triển, đổi mới ở các nước phát triển. Đúng là các nước quốc tế, họ có lối giảng dạy và suy nghĩ hiện đại, văn minh và tiến bộ. Nếu bạn có thể hòa nhập và bắt kịp nhịp sống của họ.
Tuy nhiên phần đa du học sinh lại cảm thấy khép mình, muốn sống một không gian thu nhỏ do còn nhiều e ngại. Vì vậy mà cần thay đổi suy nghĩ, hòa nhập và mở tư tưởng ra để tìm tòi, khám phá và mở rộng mối quan hệ
Ảo tưởng du học là giỏi ngoại ngữ

Tư tưởng vốn có của những người đã đang và sẽ đi du học là chắc chắn sẽ giỏi ngoại ngữ. Khi đi sâu vào vấn đề thì du học chỉ giúp tạo ra môi trường cho bạn có thể rèn luyện và trau dồi ngôn ngữ mỗi ngày khi các chương trình trên trường, tài liệu, bạn bè đều sử dụng tiếng Anh.
Nhưng giỏi và có thể sử dụng tiếng Anh là hai vấn đề khác nhau. Du học chỉ giúp bạn dừng lại ở việc có thể dùng tiếng Anh đặc biệt là kỹ năng nói, giao tiếp thành thạo.
Tuy nhiên ngữ pháp, viết là hai kỹ năng mà bạn phải học và rèn luyện chuyên sâu, bài bản bằng các khóa học hoặc tự tìm tòi.
Đừng chủ quan rằng giao tiếp giỏi là có trình độ ngôn ngữ giỏi, đó là quan niệm sai lầm.
Ảo tưởng du học giỏi hơn người không du học

Không thể phủ nhận du học ở các nước như Mỹ, Anh, Úc, Canada… đều có nền giáo dục tốt và tiến bộ hơn Việt Nam. Họ chú trọng vào thực tiễn, thực hành hơn là lý thuyết suông như ở Việt Nam. Thế nhưng, không phải du học sinh nào cũng có chuyên môn cao khi ra trường.
Chuyên môn, kỹ năng là yếu tố mà cần tự bản thân rèn luyện, tìm hiểu, nó gồm những vấn đề đơn giản đến phức tạp trong học tập và làm việc.
Hơn nữa, khả năng tiếng Anh hạn chế của đa số du học sinh cũng là trở ngại trong việc tiếp thu đầy đủ và nghiên cứu chuyên sâu các kiến thức được học, so với cả bạn học nước ngoài lẫn sinh viên trong nước.
Nói thế không phải người Việt không đi du học là yếu kém, có rất nhiều học sinh/sinh viên có thể đủ khả năng tự đi du học, dành học bổng, mở công ty, thành công và lập nghiệp…
Ảo tưởng du học về sẽ có lương cao

Không chỉ du học sinh mà hầu hết các bậc phụ huynh đều nuôi hi vọng và lầm tưởng rằng con em mình sau khi đi du học về sẽ kiếm được công việc tốt, lương bổng cao, môi trường làm việc tốt và được trọng dụng.
Cũng bởi vì chi phí đầu tư cho du học khá nhiều nên họ mong muốn mức lương sau khi tốt nghiệp sẽ cao hơn mặt bằng chung tại Việt Nam. Thế nhưng, nó chỉ xảy ra khi bạn chứng tỏ được giá trị của bản thân với nhà tuyển dụng rằng bạn năng lực giỏi, có tài, bạn khác biệt và xứng đáng để họ deal mức lương cao hơn người khác.
Bởi vốn dĩ bằng cấp cũng chỉ là tờ giấy, và mức lương đối với 1 sinh viên mới ra trường dù mới du học về vẫn bằng 1 sinh viên ở Việt Nam. Một vấn đề đáng lưu ý là liệu bạn có khả năng biến những kiến thức bạn được học trở nên phù hợp để áp dụng được ở Việt Nam hay không?
Với mức nhu cầu trong công việc ở các công ty tại Việt Nam. Nhà tuyển dụng có thể thuê một người chưa từng đi du học nhưng có năng lực, kinh nghiệm đủ đáp ứng công việc. Bởi cùng một nhu cầu, họ không thể trả lương cao hơn đối với người đã đi du học.
“Không ai chi trả cho các bạn một khoản khổng lồ nếu các bạn chỉ có tấm bằng tốt nghiệp từ nước ngoài và nói suông”, anh David Nam, nhà tuyển dụng của 1 công ty xây dựng tại TP.HCM cho biết.
Ảo tưởng du học rồi xin việc làm ở lại nhập cư

Ở các nước phát triển lấy ví dụ như Nhật Bản, bạn có thể thấy rằng tình trạng thất nghiệp gần như ở khắp mọi nơi thì định cư có vẻ là khái niệm khá xa xỉ.
Người bản xứ họ còn rất chật vật với tìm việc trong khi họ có lợi thế hơn thì đương nhiên người Việt nói riêng sẽ có ít cơ hội hơn.
Ở đây không phủ nhận khả năng tìm được việc là có nhưng nó không hề dễ dàng như nhiều người lầm tưởng. Muốn cạnh tranh thì bản thân bạn phải có yếu tố mà nhà tuyển dụng cần trong khi những đối thủ cạnh tranh của bạn không có.
Ảo tưởng chỉ người có điều kiện mới du học

Phần đa những người được đi du học đều cho là gia đình có điều kiện, dư dả. Không thể phủ nhận bộ phận lớn du học sinh là những bạn con nhà có điều kiện tốt, bố mẹ không ngại trả tiền cho con đi du học ở những nước tân tiến.
Tuy nhiên, du học được chia làm 3 nhóm tùy vào khả năng:
Nhóm học rất giỏi và được học bổng đi du học
Nhóm này thông thường là các bạn học sinh học giỏi, thi tốt nghiệp có kết quả nổi bật hoặc sinh viên các trường cao đẳng, đại học có thành tích xuất sắc, có nhiều cống hiến và năng nổ trong các phong trào.
Học bổng này có thể có nhiều loại như học bổng toàn phần được chi trả toàn bộ chi phí học và sinh hoạt. Hoặc học bổng bán phần được chi trả một nửa chi phí và bản thân du học sinh tự chi trả một nửa chi phí còn lại.
Đối với nhóm này sẽ có một số trường gò bó đầu ra như phải làm việc 1 hoặc 2 năm sau ra trường. Hay phải cố gắng giữ học bổng nếu không muốn phải học trả số tiền khủng cho việc học tiếp…
Nhóm nhà có điều kiện để đi du học
Nhóm này thì phần đa về tài chính du học sinh sẽ thỏa mái hơn, được tự do lựa chọn ngành nghề và trường học, nước du học mình thích tùy vào tài chính. Hầu như không có ràng buộc sau khi ra trường. Tâm lý học cũng thỏa mái do không áp lực tiền bạc.
Tuy nhiên cũng không ít gia đình chi trả cho con em du học hoàn cảnh không khá khẩm gì. Họ đều là số tiền vất vả kiếm được tích góp mong muốn con em mình sau này có cuộc sống tốt, được phát triển và mở mang tri thức hơn.
Nhóm tự lực từ một số tiền nhỏ ban đầu
Nhóm này thì thường là sinh viên tự tích cóp hoặc kinh doanh, tự lập để có một số vốn nhỏ. Họ vừa phải học, vừa phải làm thêm để trang trải cho cuộc sống của họ nên rất vất vả.
Sau những chia sẻ trên có lẽ bạn đã có thể hiểu hơn về mặt sau của sự hào nhoáng mang tên ảo tưởng về du học. Tuy nhiên, nói vậy không phải du học là không nên mà nó lại được khuyến khích bởi sự đẳng cấp trong giáo dục nếu bạn nỗ lực.
Bên cạnh đó, hiện nay có rất nhiều trường tổ chức mở học bổng hấp dẫn dành cho du học sinh với điều kiện khá dễ đáp ứng. Chúc cho các bạn sẽ có lựa chọn đúng đắn cho con đường tương lai của mình.