Nghề quản lý nhân sự là một lĩnh vực khá Hot không chỉ đem lại thu nhập cao, môi trường tốt. Mà còn khẳng định tài năng riêng trong cách nhìn người, đánh giá vị trí, năng lực người khác và khả năng sắp xếp công việc tốt. Để theo đuổi ngành này, bạn cần có những tố chất khá đặc thù riêng cần phải tìm hiểu và đào sâu có chia sẻ trong bài viết sau.
Mục lục
Nghề quản lý nhân sự là gì?

Quản lý nhân sự chính là kiểm soát và quản lý nguồn nhân lực đóng góp vào mọi công đoạn hình thành, phát triển của công ty. Nguồn lực con người đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các doanh nghiệp hay tổ chức. Do đó việc khai thác tốt nguồn lực này là vô cùng quan trọng để phục vụ phát triển doanh nghiệp.
Công việc này đòi hỏi người quản lý phải cực kỳ hiểu biết không chỉ về chi tiết mọi công việc trong công ty mà còn phải thấu hiểu, biết quan sát và nắm bắt tính cách, phẩm chất phù hợp công việc cho từng nhân viên.
Việc quản lý nguồn lực đòi hỏi sự hiểu biết về con người ở nhiều khía cạnh, coi con người là yếu tố trung tâm của sự phát triển. Các kỹ thuật quản lý nhân lực thường có mục đích tạo điều kiện để con người phát huy hết khả năng tiềm ẩn, phát huy sở trường, giảm lãng phí nguồn lực, tăng hiệu quả cho cả tổ chức.
Hầu hết ở tất cả các loại hình công ty, doanh nghiệp từ kinh doanh đến sản xuất đều cần đến vị trí quản lý nhân sự. Họ là người có quyền đưa ra những chỉ định, quyết định một ai đó làm ở vị trí nào là phù hợp nhất, đúng chuyên môn nhất cũng như Deal mức lương phù hợp với năng lực của nhân viên.
Công việc của một quản lý nhân sự là gì?

Công việc khái quát của một người quản lý nhân sự là: Tuyển chọn nhân sự, sắp xếp đúng người đúng việc, tổ chức công việc, quản lý hiệu quả hoạt động của người lao động, nâng cao năng lực của nhân viên, đào tạo và phát triển nhân lực…
Công việc chính của phòng nhân sự thường:
- Tuyển dụng
- Đào tạo nhân viên
- Định mức mức lương cho hiệu suất lao động nhân viên
- Theo dõi công việc và đánh giá năng lực
- Thực hiện các công việc liên quan đến bảo hiểm, giải quyết chế độ (thai sản, nghỉ việc, phúc lợi, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động…)
- Định hướng và quy hoạch nguồn nhân lực phục vụ cho chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Tố chất cần có của quản lý nhân sự

Có đam mê và trách nhiệm với nghề
Đam mê và trách nhiệm là yếu tố không thể thiếu được trong quản lý nhân sự. Khi bạn có đam mê bạn sẽ học nhanh hơn, tìm tòi và học hỏi nhiều hơn về các kỹ năng cần thiết cấu tạo nên công việc.
Việc yêu nghề còn giúp bạn biết cách luôn đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu đồng cảm từ đó nắm bắt được tâm lý của các nhân viên các bộ phận.
Khả năng giao tiếp tốt

Kỹ năng giao tiếp là một kỹ năng vô cùng quan trọng trong tất cả mọi lĩnh vực đặc biệt đối với nghề quản lý nhân sự. Dù bạn là cấp trên thì việc quá thẳng thắn chê khen điểm mạnh yếu của một nhân viên là không cần thiết. Cho dù bạn có biết cách sử dụng người nhưng bạn không thể truyền đạt hết mong muốn của mình thì sẽ rất khó tồn tại trong nghề này.
Ngoài việc biết cách giao tiếp, bạn còn phải tinh tế trong cách nhìn người, xử lý tình huống nhanh chóng để đạt được kết quả nhanh và năng suất. Giao tiếp qua lời nói, giao tiếp qua cử chỉ, ánh mắt, âm điệu giọng nói…
Biết lắng nghe và thấu hiểu
Biết lắng nghe cũng là một tố chất quan trọng đối với người làm quản lý nhân sự. Việc lắng nghe giúp bạn hiểu và thấy được điểm mạnh yếu của một ứng viên, mong muốn và nỗ lực của họ trong option đang đưa ra.
Lúc này bạn sẽ dễ hình thành nhiều ý tưởng xây dựng để phát triển và đào tạo nhân viên. Sắp xếp vị trí phù hợp trong công ty.
Ngoài ra, để có thể quản lý tốt công việc của mình không chỉ dùng đánh giá khách quan, mà còn phải lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, tình cảm, mong muốn, khúc mắc từ nhân viên.
Có tầm nhìn và sự sáng suốt

Ngoài kỹ năng chuyên môn cần có của người quản lý nhân sự thì bạn cần có tầm nhìn rộng bao quát, biết quan sát và đánh giá nhân viên thông qua lời nói, cử chỉ, ánh mắt, mong muốn… Tất cả đều được cấu thành để đưa ra quyết định đúng đắn.
Ngoài ra bạn còn phải có sự nhạy bén các vấn đề để phân tích, xử lý tốt các tình huống. Giải quyết xử lý nhân viên nghiêm túc và thấu đáo, hợp lý mà không mất quan điểm. Vẫn giữ được các mối quan hệ nhân viên, đồng nghiệp trong doanh nghiệp.
Tâm lý
Ngành quản lý nhân sự đòi hỏi bạn phải biết ít nhiều về tâm lý học con người. Điều này giúp bạn dễ dàng nhận ra những phẩm chất thực sự ở nhân viên thông qua cử chỉ, lời nói. Khi đánh giá được tính cách, cách xử lý công việc, tình huống sẽ giúp bạn lựa chọn ứng viên phù hợp với từng loại hình công việc hơn.
Tương lai và công việc của ngành quản lý nhân sự

Nghiên cứu từ các công ty được đánh giá từ (HR Best Practice) ở khu vực Đông Nam Á chỉ ra cứ khoảng 100 người lao động trong công ty thì cần một nhân viên quản lý nhân sự.
Có thể thấy, nguồn cung nhân viên nhân sự chưa đáp ứng được số lượng, cũng như yêu cầu về kỹ năng lẫn chuyên môn, dẫn tới tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân viên nhân sự có chất lượng, giỏi, chuyên nghiệp.
Nhiều vị trí dành cho ngành nhân sự có thể kể đến như:
Giám đốc nhân sự
Công việc này đòi hỏi bạn có thể giám sát chi tiết, chặt chẽ và bao quát một vài bộ phận. Là người cần có kinh nghiệm trong quản lý và có chuyên môn về một lĩnh vực hoạt động của quản lý nhân sự cụ thể như mảng việc làm, mảng lợi ích, đào tạo và phát triển, hay các mối quan hệ trong nhân viên…
Nhân viên tuyển dụng

Nhân viên tuyển dụng nhân sự là vị trí cần có ở tất cả công ty, thực hiện các công việc như tuyển nhân viên và sắp xếp công việc, đánh giá và định giá mức lương, phân chia việc làm cho nhân viên, lựa chọn vị trí phù hợp cho ứng viên dựa vào đặc thù công việc và tính cách, phẩm chất…
Vị trí này bạn cần có kiến thức chuyên môn cho hầu hết các công việc đang cần nhân sự. Có quan hệ tốt với các nguồn cung từ nhà trường, trung tâm để tìm ra những ứng cử viên triển vọng cho công việc.
Kiểm tra và giải quyết những phàn nàn, khúc mắc, sự cố cùng với quy định của công ty, mức độ hoạt động để đưa ra những giải quyết kịp thời và phải hợp lý. Không ảnh hưởng đến công ty và kể cả lợi ích thực của nhân viên.
Nhân viên lương thưởng và phúc lợi
Tốt nghiệp khối ngành quản lý nhân sự. Bạn có thể xin làm tại vị trí quản lý hệ thống tiền lương, các khoản tiền liên quan đến thu nhập, phúc lợi của người lao động. Lên kế hoạch và giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích, đời sống nhân viên, quản lý hợp đồng lao động, hồ sơ nhân viên.
Quản lý đánh giá hoạt động của công ty, chế độ khen thưởng cũng như tiền thưởng phù hợp cho nhân viên, các kế hoạch của nhân viên, các dự án hoàn thành tốt… Đảm bảo tính công bằng về quyền lợi của người lao động phù hợp với quy định lương thưởng và phúc lợi của Nhà nước.
Chuyên gia phân tích công việc
Vị trí này đòi hỏi bạn phải thực hiện công việc dưới sự chỉ đạo các chương trình cho các công ty. Bạn phải thu thập và kiểm tra những thông tin chi tiết về yêu cầu công việc để chuẩn bị cho bản miêu tả công việc. Từ đó đưa ra những yêu cầu mà ứng viên cần có.
Chuyên gia phân tích ngành nghề
Vị trí này thường xuất hiện ở các công ty lớn. Họ thường quan tâm đến các hệ thống phân loại ngành nghề và nghiên cứu những ảnh hưởng của ngành và các xu hướng ngành nghề đến mối quan hệ giữa nhân viên và công ty. Các việc liên lạc thuộc kỹ thuật giữa công ty của họ với các công ty khác,…
Nhân viên quản lý dự án, hỗ trợ nhân viên (quản lý phúc lợi nhân viên)
Là người chịu trách nhiệm về: an toàn nghề nghiệp, tiêu chuẩn và thực tiễn về sức khỏe, kiểm tra y tế và chữa bệnh, các hoạt động trợ giúp, an toàn máy móc, xuất bản, dịch vụ lương thực thực phẩm, nghỉ ngơi giải trí, đề xuất của nhân viên, các dịch vụ hướng dẫn…
Chuyên gia đào tạo huấn luyện nhân viên
Đây là vị trí mà người quản lý cần đặt ra kế hoạch, tổ chức và chỉ đạo rất nhiều hoạt động đào tạo. Tư vấn cho các giám sát viên ở nơi làm việc về tăng hiệu quả làm việc và chỉ đạo các buổi giới thiệu định hướng, sắp xếp các đợt huấn luyện về công việc cho nhân viên mới.
Giúp nhân viên duy trì và nâng cao những kỹ năng trong công việc, chuẩn bị cho những công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn. Họ giúp cho các giám sát viên nâng cao kỹ năng giao tiếp giữa người và người để làm việc hiệu quả với nhân viên. Thiết lập các kế hoạch đào tạo cá nhân để củng cố thêm những kỹ năng đã có của nhân viên…
Danh sách các trường Đại học đào tạo ngành Nhân sự

- Đại Học Kinh Tế Quốc Dân
- Đại Học Thương Mại
- Đại Học Nội Vụ
- Học Viện Hành Chính Quốc Gia ( phía Bắc )
- Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn – Đại Học Quốc Gia Hà Nội…
- Học Viện Hành Chính Quốc Gia (phía Nam)
- Đại Học Lao Động – Xã Hội ( Cơ sở phía Nam)
- Đại Học Kinh Tế -Tài Chính TPHCM
- Đại Học Tôn Đức Thắng
- Đại Học Nguyễn Tất Thành…
- Đại Học Kinh Tế – Đại Học Đà Nẵng
- Đại Học Kinh Tế – Đại Học Huế
- Đại Học Quy Nhơn
- Đại Học Trà Vinh
- Đại Học Hải Phòng…
Nghề quản lý nhân sự là một vị trí vô cùng quan trọng trong công ty. Góp phần đem lại sự thành công, năng suất và hiệu quả trong từng vị trí công việc. Để theo đuổi ngành này, ngoài kiến thức chuyên môn thì sự tinh tế trong đánh giá con người, quan sát là rất quan trọng mà bạn cần trau dồi và học hỏi liên tục.